Khói hàn, chớ coi thường
Bệnh nghề nghiệp có liên quan đến khói hàn đang là mối đe doạ cho sức khỏe, nhất là những thợ hàn làm việc trong môi trường kín.
Ước tính, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hàng trăm ngàn công nhân, người lao động làm việc tại các công ty, cơ sở liên quan đến khói hàn nhưng ít người quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe, nhiều thợ hàn làm việc trong môi trường kín rất dễ tiếp xúc với khói hàn có nồng độ cao.
Nếu không được “che chắn” kỹ lưỡng thì nguy cơ phát sinh bệnh tật là rất lớn”. PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, chủ tịch hội Hô hấp TP.HCM cảnh báo.
Theo bà Lan, khói hàn sẽ kích thích đường hô hấp một cách dữ dội, gây nên các bệnh hen suyễn, hen phế quản, viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính… Nếu các bệnh nhân không chữa trị kịp thời, nguy cơ gây ung thư phổi, dẫn đến tử vong là khá cao. “Bệnh này tập trung chủ yếu ở công nhân làm thợ hàn trong các cơ sở sản xuất cửa sắt, cơ khí, đóng tàu, điện tử, giày da…”, BS Lan cho biết.
1. “Tới đâu hay tới đó”
Dù theo cảnh báo, nghề này nguy hiểm như vậy, nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những người làm nghề thợ hàn trong các cơ sở sản xuất cửa sắt, nhất là những cơ sở với quy mô nhỏ đều thờ ơ với bệnh nghề nghiệp. Số ít có quan tâm thì cũng nói “biết sao được, giờ phải làm để kiếm sống, tới đâu hay tới đó”.
Với chiếc khẩu trang vải đã hoen ố, dính đầy bụi bẩn đen xì, trông chẳng khác nào miếng giẻ lau tay, nhưng lại là vật “bảo hộ” mà anh Nguyễn Văn Đông, chủ cơ sở cửa sắt trên đường Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp, sử dụng để che miệng mỗi khi hàn sắt. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại với chiếc khẩu trang mà anh sử dụng, anh Đông phân trần: “Thợ hàn sắt, tay chân lúc nào cũng lấm lem, quần áo còn đen thui, huống chi là khẩu trang”.
Làm công nhân tại một cơ sở sản xuất cửa sắt nhỏ nằm trong con hẻm cũng trên đường Quang Trung, Nguyễn Thành Dũng được anh em ở đây đặt cho cái biệt danh “người lạc quan”. Bởi khi hàn, cắt sắt, Dũng chẳng bao giờ đeo khẩu trang, thậm chí có lúc còn không đeo kính bảo vệ mắt. Dũng giải thích theo kiểu điếc không sợ súng: “Làm nghề mà sợ bệnh tật, sợ chết thì bỏ nghề… chứ làm chi thêm lo. Tôi thấy nhiều khi không làm gì hết cũng mắc bệnh, chứ đâu phải làm nghề hàn cửa sắt, hít khói hàn mới bị bệnh đâu”.
Chỉ một đoạn ngắn chừng 500m trên đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, đã có hơn chục cơ sở cửa sắt, cơ sở cơ khí… Phần lớn công nhân làm việc ở đây đều đến từ các tỉnh miền Trung. Anh Trần Anh Tuấn, quê Quảng Nam, thợ hàn ở cơ sở cửa sắt Thành Công cho biết, có đêm ngủ cũng thấy mệt, khó thở. “Nhưng làm gì mà chẳng mệt, với lại làm nghề cửa sắt suốt ngày tiếp xúc với khói bụi, mệt cũng là chuyện bình thường mà”, Tuấn giải thích thêm.
2. Đổ bệnh mới lo
Theo TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, giám đốc trung tâm Bảo vệ sức khoẻ lao động và môi trường TP.HCM, công nhân làm việc trong lĩnh vực này mà sử dụng khẩu trang vải thì không tác dụng, không có khả năng “miễn dịch” với khói hàn.
Ước tính, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có hàng trăm ngàn công nhân, người lao động làm việc tại các công ty, cơ sở liên quan đến khói hàn. Đó là chưa kể số người dân sống quanh các cơ sở cơ khí trong các khu dân cư, mà theo các bác sĩ, nguy cơ mắc bệnh cũng rất cao.
Tuy nhiên, theo bà Lan, việc kiểm tra, khám bệnh cho nhóm đối tượng này chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người đến khi phát bệnh mới tìm tới bệnh viện.
Anh L.V.H., hành nghề thợ bạc ở quận 8 cho biết, khi phát hiện mình có dấu hiệu khó thở, cộng với mỗi lần ho có đàm màu vàng đã đến khám tại khoa khám thăm dò chức năng, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, thì được các bác sĩ kết luận, anh bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bậc 3 (COPD), phải điều trị theo phát đồ COPD.
Anh H. cũng cho biết thêm, các bác sĩ nói đây là bệnh do tiếp xúc với khói hàn trong quá trình làm việc, nếu để chậm một thời gian nữa có nguy cơ gây ung thư phổi. Hiện nay, cứ hai tháng anh phải đến bệnh viện để khám và điều trị, nhưng cũng chưa biết đến khi nào dứt hẳn.
Khoa khám thăm dò chức năng, BV đại học Y dược TP.HCM, cho biết trong năm vừa qua, đã phát hiện gần mười công nhân làm việc trong môi trường này bị các chứng bệnh liên quan đến phổi, như tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…
Theo Hồ Quang – Sài Gòn Tiếp Thị