TPM (Bảo trì năng suất toàn diện) – Nâng cao kỹ năng bảo trì sản phẩm
TPM (Bảo trì năng suất toàn diện) là gì?
Total productive maintenance (TPM) được hiểu là bảo trì năng suất toàn diện, là chìa khóa cho sự ổn định và hiệu quả của máy móc, thiết bị.
TPM bao gồm các công việc bảo trì cơ bản như: kiểm tra, làm sạch, bôi trơn và căn chỉnh thiết bị. Điều này giúp cho hoạt động bảo trì được thực hiện theo kế hoạch, liên tục cải tiến thiết bị, đồng thời đào tạo cho những nhân sự trong nhóm bảo trì về cấu tạo của thiết bị, những lỗi thường gặp và cách khắc phục.
TPM là hoạt động sửa chữa, bảo trì tổng hợp và liên tục nhằm loại bỏ sáu tổn thất lớn gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của máy bao gồm:
Thời gian chết (Downtime):
- Sự cố ngừng máy
- Cài đặt và điều chỉnh bị chậm trễ (ví dụ: do thay đổi khuôn dập trong máy ép, …)
Tổn thất về tốc độ (Speed Losses)
- Dừng ngắn nhưng đột ngột khi vận hành thiết bị (các sự cố nhỏ như dây chuyền bị kẹt, sự cố với nạp nguyên liệu, …)
- Giảm tốc độ (tốc độ máy thực tế nhỏ hơn tốc độ thiết kế)
Sai lỗi (Defects)
- Lỗi quy trình (ví dụ: phế liệu, lỗi cần sửa chữa)
- Giảm năng suất (ví dụ: từ khởi động máy sang sản xuất ổn định)
Để thực hiện TPM, bộ phận bảo trì cần có checksheets (danh sách công việc) cho từng thiết bị và bảng theo dõi trực quan về quá trình làm việc và lịch sử sửa chữa máy. Tất cả thành viên trong bộ phận bảo trì cần nắm chắc hai thông tin trên, thường xuyên báo cáo về lỗi và những nguy cơ tiềm ẩn lỗi, giảm thiểu tối đa lỗi phát sinh.
Thêm vào đó, nhân sự sản xuất cũng cần trang bị những kiến thức cơ bản để khắc phục lỗi đơn giản, thường xuyên kiểm tra và kết hợp hoạt động cùng bộ phận bảo trì.
Có thể nói, TPM khai thác tối đa nguồn lực có sẵn của bộ phận sản xuất, tập trung vào loại bỏ 6 tổn thất lớn ảnh hưởng đến thiết bị, giúp tăng cường hiệu suất thiết bị tổng thể (Overall Equipment Effectiveness – OEE), kéo dài tuổi thọ của máy, giảm chi phí sản xuất và bảo trì, gia tăng năng lực cũng như trách nhiệm của mỗi nhân viên.
Với những lợi ích thiết thực TPM mang lại, kỹ năng bảo trì toàn diện này đang được triển khai và ngày một hoàn thiện tại các doanh nghiệp sở hữu nhiều thiết bị máy móc, các xưởng cơ khí và khu công nghiệp nhằm chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động bảo trì và sản xuất./.