Startup ngành cơ khí – Mảnh đất màu mỡ ẩn chứa nhiều chông gai

Cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, cụm từ “start up – khởi nghiệp” trở nên quen thuộc và chiếm lĩnh hầu hết các diễn đàn về kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp start up thường tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thông tin, dịch vụ, y tế, giáo dục mà “bỏ ngỏ” lĩnh vực “cơ khí”. Vì vậy “khởi nghiệp” cơ khí đang là mảnh đất màu mỡ, hứa hẹn nhiều thành tựu đột phá nhưng cũng ẩn chứa nhiều thử thách và khó khăn, đòi hỏi “người sáng lập” cần đầu tư nghiêm túc về trí tuệ và nguồn lực tài chính.

Theo thống kê, thời gian gần đây, số doanh nghiệp cơ khí tại Việt Nam tăng nhanh, từ 10.000 năm 2010 lên hơn 21.000 doanh nghiệp năm 2016. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển nở rộ, rất nhiều khó khăn đặt ra cho các doanh nghiệp quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực cơ khí.

Một trong những khó khăn hàng đầu nằm ở số vốn đầu tư lớn trong một khoảng thời gian dài. Trong lĩnh vực cơ khí, để cho ra đời một thành phẩm hoàn hảo với số lượng lớn, mỗi doanh nghiệp mất khoảng năm năm, bao gồm thời gian nghiên cứu, ra mắt sản phẩm mẫu, chờ đợi phản hồi của thị trường, chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm. Để giảm chi phí đầu tư, nhanh thu hồi vốn, các doanh nghiệp trẻ thường lựa chọn máy bãi hoặc giá rẻ – đây chính là nguyên nhân dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình sản xuất.

Hệ thống thiết bị công nghệ cao tại công ty CPCN Weldcom

Nếu như doanh nghiệp bạn đã giải được “bài toán vốn” thì yêu cầu sản lượng và chất lượng lại là thử thách tiếp theo trong quá trình khởi nghiệp. Người chủ doanh nghiệp cần phải hoạch định được lộ trình, kiểm soát chất lượng thành phẩm, tìm kiếm và duy trì đầu ra cho sản phẩm một cách liên tục và đều đặn. Cơ hội “thử – sai – làm lại” trong ngành cơ khí không nhiều, vì vậy, các start up cần nghiên cứu kỹ và có chiến lược rõ ràng, chi tiết cho từng tiến trình hoạt động của mình.

Chương trình giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới tại công ty CPCN Weldcom

“Chất lượng nhân lực” cũng là yếu tố quyết định thành công của một start up cơ khí. Đa phần nguồn nhân lực trong lĩnh vực cơ khí đều là thợ kỹ thuật hoặc lao động phổ thông, ít có cơ hội tiếp xúc với thiết bị công nghệ cao. Vì vậy, cần lựa chọn những thiết bị đáp ứng cả hai yếu tố: thân thiện với người sử dụng và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến công tác đào tạo nhằm nâng cao hiểu biết và tay nghề của đội ngũ nhân sự.

Chương trình đào tạo thực nghiệm tại Trung tâm công nghệ của Công ty CPCN Weldcom

Cùng với đó, các start up cơ khí hiện nay còn thiếu một sân chơi công nghệ, hay những hoạt động mang tính cộng đồng nhằm chia sẻ và kết nối các doanh nghiệp trong ngành. Hiện nay, “Hiệp hội cơ khí” với những chuyên gia có kinh nghiệm luôn mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ, chung tay xây dựng nền cơ khí Việt. Bằng những hội thảo chuyên ngành cơ khí hay những buổi gặp gỡ sẻ chia, các chuyên gia trong Hiệp hội cơ khí hy vọng kết nối những start up cơ khí, để cùng tạo nên một cộng đồng ngành cơ khí phát triển bền vững, rộng mở.

Hiệp hội Hansiba – Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp tham gia triển lãm cùng công ty CPCN Weldcom

Thành công không phải là một đường thẳng mà nó là một hành trình dài và nhiều gian nan. Nhưng nếu bạn xác định rõ mục tiêu, hiểu rõ những thế mạnh và nguồn lực của mình, bạn sẽ tìm được con đường ngắn nhất để đi tới đó. Chính vì vậy, mặc dù còn nhiều chông gai nhưng ngành cơ khí vẫn là một “miền đất hứa” dành cho những start up đủ tri thức, sức bền và niềm đam mê./.

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *