GIÁ THÉP LIÊN TỤC ĐẠT ĐỈNH, NGÀNH THÉP ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

     Trái ngược với tình hình kinh tế ảm đảm trong năm qua do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bức tranh toàn cảnh ngành thép vẫn có nhiều mảng màu tươi sáng. Cụ thể, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng tiêu thụ thép tại Việt Nam năm 2020 tăng 1,4% so với năm 2019. Ngoài ra, không chỉ riêng tại Việt Nam, giá thép đang tăng mạnh và liên tục đạt đỉnh tại khắp các thị trường từ châu Á đến Bắc Mỹ.

Biểu đồ giá thép từ 5/2020- 5/2021. Nguồn: theo Tradingeconomics.

     Có thể lý giải nguyên nhân giá thép tăng cao do một số nguyên nhân như sau:

     Đầu tiên phải kể đến nguyên nhân đến từ sự tăng cao của giá các nguyên vật liệu sản xuất thép trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3/2021 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.(*)

     Ngoài ra, dưới tác động ảnh hưởng của đại dịch nên việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng bị kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do đẩy giá thép tăng mạnh.

     Một nguyên nhân khác phải kể đến là tại thị trường Trung Quốc có sự tăng mạnh về nhu cầu trong thời gian này do những tác động của chính sách kích thích nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng làm cho nhu cầu chung tăng lên khiến giá thép liên tục tăng cao.

     Đối với thị trường trong nước nói riêng, động lực cho việc tăng giá thép cũng xuất phát từ việc ra tăng nhu cầu khi một loạt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn của cả nước đang được triển khai như dự án cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ ,sân bay quốc tế Long Thành, cũng như một loạt dự án bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ “nóng” trở lại trong năm nay. Ngoài ra, làn sóng chuyển dịch dòng vốn FDI sang Việt Nam cũng khiến cho nhu cầu về việc xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam tăng cao.

     Đặc biệt, với việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các các nước trong khu vực và thế giới sẽ thúc đẩy nhanh chóng việc giao thương trong thời gian tới. Theo đó, những kỳ vọng về việc mở rộng thêm được các thị trường xuất khẩu cũng góp phần đẩy mạnh nhu cầu thép trong tương lai.

     Tất cả những lý do này đẩy nhu cầu thép trong nước tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm sẽ càng đẩy giá thép tăng cao. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép trên toàn thế giới dự kiến sẽ tiếp tục tăng 5,8% trong năm nay và vượt qua mức trước đại dịch.

     Có thể thấy rằng, ngành thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá bán tăng. CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam nhận định: “Chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp diễn đến nửa cuối năm 2021 nhờ vào những diễn biến đang diễn ra tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và EU. Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến triển vọng ngành thép toàn cầu nhờ giá bán tăng cao sẽ cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp” (*). Nhất là khi, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp khiến cho việc nhập khẩu thép từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp thương mại và kết cấu thép hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi do thị trường trong nước ít bị cạnh tranh và có xu hướng tiêu thụ tốt.

     Đứng trước cơ hội lớn như vậy, các doanh nghiệp thương mại và kết cấu thép cũng đồng thời đang đứng trước bài toán lớn cần tìm lời giải cho việc tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để nắm bắt lấy thời cơ này. Mọi bước đi chỉ cần có phần hơi chậm chạp sẽ khiến cho doanh nghiệp mất đi chỗ đứng trong cuộc chơi lớn này. Đầu tư cho máy móc công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tối ưu hóa dây chuyền, tăng năng suất, giảm chi phí, cải thiện tỷ suất lợi nhuận cũng là một trong những đáp án cho bài toán trên.

(*) Theo vneconomy.vn

 

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *