Công nghệ hàn nguội được chuyển giao cho Việt Nam
Phương pháp hàn nguội Lock-N-Stitch (LNS) đã được thế giới ứng dụng hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, trước đây các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu sửa chữa bằng phương pháp này phải thuê mướn chuyên gia từ nước ngoài vì chưa được chuyển giao cho Việt Nam bởi chế độ bảo hộ bản quyền, quy trình chuyển giao khó khăn.
Mới đây, phương pháp ưu việt này đã được Công ty TNHH Hàng hải và Công nghiệp Hải Dương (69/36 D2 P25 Q. Bình Thạnh Tp. Hồ Chí Minh) nhận chuyển giao từ đối tác Hàn Quốc, mở ra những tiện ích cho các doanh nghiệp trong nước khi tiếp cận công nghệ này.
Ứng dụng trong nhiều lĩnh vực
Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, các chi tiết bằng gang chiếm từ 50% đến 80% khối lượng kim loại do có các ưu điểm: giá thành rẻ, tính đúc tốt, tính gia công cắt gọt tốt, khả năng chịu mài mòn cao.
Tuy nhiên, do cơ tính của gang có đặc điểm không chịu các ứng suất kéo/uốn nên dễ bị nứt, vỡ trong quá trình sử dụng.
Do đó, Phương pháp “hàn nguội” (Metal Stitching) được Công ty Lock-N-Stitch (Mỹ) nghiên cứu hoàn thiện bao gồm cả quy trình, vật liệu, công cụ hỗ trợ… đã trở thành phương pháp chủ yếu để sửa chữa các vết nứt/vỡ của gang cũng như các kim loại khó hàn khác: nhôm, thép hợp kim… ở tất cả các thiết bị công nghiệp.
Với tính ưu việt là hàn hiệu quả trên nhiều vật liệu kim loại, LNS được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: tàu biển (nắp quy lát, block máy, bệ máy, xi lanh, áo nước làm mát xy lanh, vỏ tua bin tăng áp, vỏ bơm, vỏ hộp số, bánh răng…); nhà máy sản xuất vỏ xe và đúc các sản phẩm cao su (khuôn đúc, block máy nén…); nhà máy xi măng (lò nung, máy nghiền, vỏ bơm, hộp giảm tốc…); nhà máy nhiệt điện (tua bin khí, tua bin hơi); nhà máy thép (ru lô cán, khuôn ép, khuôn dập, hộp giảm tốc…); nhà máy nước, đường, hóa chất, hóa dầu…; và các lĩnh vực khác.
Theo các chuyên gia Công ty Lock-N-Stitch, bất cứ các chi tiết bằng kim loại khó hàn nào cũng đều có thể sửa chữa, phục hồi bằng phương pháp LNS. Tuy nhiên, hiện nay ứng dụng nhiều nhất trong công nghệ sửa chữa tàu biển.
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, đối tác chuyển giao cho Công ty TNHH Hàng hải và Công nghiệp Hải Dương, phương pháp LNS có những đặc điểm ưu việt hơn các phương pháp hàn khác. Đó là thao tác thực hiện đơn giản do có sự hỗ trợ của các dụng cụ được chế tạo đặc biệt như mũi khoan, mũi ta rô, mũi cắt mặt, dưỡng khoan…
Thời gian thực hiện sửa chữa nhanh, chi phí sửa chữa thấp. Có thể sửa chữa hư hỏng ở mọi vị trí: bề mặt, góc trong, góc ngoài, lỗ ren… Chất lượng sửa chữa tốt, không bị nguy cơ biến dạng do nhiệt, phục hồi chi tiết gần bằng trạng thái ban đầu.
Có thể sửa chi tiết chịu áp lực đến 200 bar, nhiệt độ làm việc đến 1.500oC. Với trang bị gọn nhẹ, dụng cụ chuyên dụng và kỹ thuật viên lành nghề, có thể sửa chữa tại chỗ trong nhiều trường hợp, ngay cả trong lúc máy đang hoạt động.
Tiện ích cho doanh nghiệp trong nước
Theo các kỹ sư hàn trong lĩnh vực tàu biển, lâu nay trong nước vẫn sử dụng chủ yếu phương pháp hàn nhiệt. Đây là phương pháp truyền thống nhưng trong một số trường hợp thì không mấy hiệu quả.
Chẳng hạn cách đây không lâu, một block máy phát điện Daihatsu của Hyundai-Vinashin Shipyard Co.,Ltd bị vỡ đã được sửa chữa bởi các chuyên gia Hàn Quốc bằng phương pháp LNS, mà không thể sửa chữa bằng hàn nhiệt.
Qua phân tích của các chuyên gia Công ty TNHH Hàng hải và Công nghiệp Hải Dương, nếu so sánh sẽ thấy những ưu điểm vượt trội của công nghệ hàn nguội so với hàn nhiệt.
Đối với hàn nhiệt, yêu cầu phải gia nhiệt có kiểm soát vật hàn đến khoảng 500oC, sau khi hàn cũng phải làm nguội có kiểm soát; đòi hỏi tay nghề cao, trang bị kỹ thuật đầy đủ. Khi hàn, các chi tiết máy phải được tháo rời hoàn toàn, sau khi hàn phải đem lắp lại nên rất tốn kém và mất thời gian.
Hàn nhiệt chỉ có thể hàn tốt các chi tiết tương đối nhỏ, có độ cứng vững kết cấu cao như nắp quy lát, vỏ hộp số… Có nhiều trường hợp rất khó hàn nhiệt do môi trường dễ cháy nổ, kích thước vật hàn lớn.
Chất lượng mối hàn tốt, tuổi thọ lâu, nhưng nếu xử lý không tốt có thể dẫn đến tình trạng biến dạng hay nứt vỡ, khó sửa chữa lại hoặc thậm chí phải thay mới.
Trong khi đó, công nghệ hàn nguội được sử dụng phổ biến trên thế giới; không cần xử lý nhiệt; dễ thao tác; không cần tháo rời các chi tiết máy, thậm chí có thể sửa chữa trong lúc máy đang hoạt động.
Đặc biệt, có thể sửa chữa hầu hết các hư hỏng của tất cả thiết bị công nghiệp với tuổi thọ lâu, kết cấu bền vững, có thể hoạt động lâu dài như nguyên thủy.
Hiện nay, nhiều đơn vị trong nước về các lĩnh vực sửa chữa ô tô, tàu biển đã tiếp cận với phương pháp hàn LNS. Qua đánh giá cho thấy đây là phương pháp ứng dụng hiệu quả và cần được nhân rộng.
Công ty TNHH Hàng hải và công nghiệp Hải Dương đã thành lập Trung tâm dịch vụ sửa chữa vết nứt kim loại ứng dụng công nghệ “Hàn nguội” LNS. Đã triển khai sửa chữa được một số hư hỏng như: nắp quy lát, block máy phát điện, bệ máy, vỏ tua bin… Sau khi được sửa chữa, các chi tiết này được đưa vào sử dụng và đang vận hành tốt.