ANH NGUYỄN TRỌNG TIẾN – “NGƯỜI BÁN LƯỠI CÂU” TẠI WELDCOM HẢI PHÒNG

Bạn đã từng nghe ở đâu đó câu chuyện về người bán lưỡi câu? Một câu chuyện nhẹ nhàng và thú vị, nhưng đằng sau đó là một bài học về kinh doanh rất thực tế.

Một chàng trai trẻ tự nhận mình là người bán hàng giỏi nhất nước Mỹ và đi xin việc tại một siêu thị lớn. Ngài giám đốc siêu thị khá thích thú với điều đó nên đã nhận cậu vào làm. Kết thúc ngày đầu tiên làm việc, vị giám đốc đã hỏi về số khách mà anh ta bán được trong ngày, chàng thanh niên đáp anh chỉ bán được cho một khách hàng trong khi mỗi nhân viên tại cửa hàng bán được trung bình 20-30 khách một ngày. Thế nhưng ông chủ lại vô cùng bất ngờ khi doanh số bán hàng của cậu ta lại lớn hơn của tất cả những người bán hàng khác gộp lại.

    • “Vậy cậu đã bán những cái gì?”
    • “Để tôi xem?”, chàng trai nghĩ, “Đầu tiên tôi bán cho ông ta một cái lưỡi câu nhỏ. Sau đó tôi bán cho ông ấy một lưỡi câu cỡ trung bình. Tiếp theo, tôi bán cho ông ấy một lưỡi câu lớn. Và tôi bán tiếp cái cần câu mới. Sau đó, tôi hỏi nơi mà ông ấy câu cá, và ông trả lời ông ấy ra biển câu, vì vậy tôi nói với ông ta rằng ông nên có một cái thuyền, và chúng tôi cùng xuống phòng thuyền buồm, ông ấy đã mua động cơ Chris Craft. Tiếp theo tôi hỏi ông ta về phương tiện để trở thuyền ra biển, ông ấy nói ông có 1 xe Honda Civic. Tôi nói cái xe đó không đủ lớn để trở chiếc thuyền quá nặng, vì vậy tôi đưa ông ta xuống khu trưng bày ôtô và bán cho ông ấy 1 cái V8 SUV mới.”
    • “Wow”, ông chủ nói, “Người đàn ông đến mua 1 lưỡi câu và cậu đã bán cho ông ấy 1 cái thuyền và 1 cái xe tải?”
    • “Không, ông ấy đến đây để mua đồ cho vợ ông ấy, và tôi nói: Trời cuối tuần thật đẹp, ông có thể đi câu cá?

Không tự nhận mình là người bán hàng giỏi nhất, nhưng anh Nguyễn Trọng Tiến – NVKD tại cửa hàng Weldcom Hải Phòng (phòng Kinh Doanh 3 Miền Bắc) cũng là người có phương pháp bán hàng thông minh tương tự.

Ít ai biết được rằng, trước đây anh Tiến từng làm công nhân rồi chuyển sang làm thủ kho ở một công ty sản xuất bánh kẹo tại Bình Dương. Vị trí và lĩnh vực công việc lúc đó gần như không hề liên quan gì đến công việc của anh ở hiện tại.

Cơ duyên đến với Weldcom bắt đầu từ những ngày cuối năm 2013 khi anh nghỉ việc tại công ty cũ và nhận được lời mời làm việc tại vị trí thủ kho tại Weldcom Hà Tĩnh. Sau 3 năm làm việc tại đây, anh Tiến đã về đầu quân cho Weldcom Hải Phòng và gắn bó cho đến tận bây giờ.

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của anh Tiến chính là khi được trao cơ hội phát triển bản thân ở lĩnh vực kinh doanh. Đối với một anh thủ kho, những ngày đầu chập chững với vai trò nhân viên kinh doanh tại điểm bán là những ngày khó quên nhất vì có quá nhiều thứ bỡ ngỡ và xa lạ.

Sau một tuần được đồng nghiệp dẫn đi thị trường, hai anh em đã chia ra hai hướng để đi chăm sóc khách hàng. Không biết gì thì lại gọi điện, đi hỏi những người đã biết rồi tự mày mò tìm hiểu. Cứ thế cho đến ngày anh chợt nhận ra không biết từ bao giờ mình đã không còn lo sợ và trở nên tự tin hơn với vai trò mới.

Chuỗi ngày rong ruổi trên khắp các nẻo đường, dãi nắng dầm mưa đi thị trường tuy vất vả nhưng cũng chính là khoảng thời gian anh học hỏi được nhiều nhất để am hiểu về thị trường, am hiểu về sản phẩm, biết nắm bắt nhu cầu khách hàng và học cách giao tiếp cởi mở với họ.

Thời gian đó thông tin liên lạc, phương tiện truyền thông không phổ biến và phát triển như bây giờ, nên tất cả những gì các anh có là sử dụng toàn bộ nội lực của bản thân mình để tìm kiếm, hỗ trợ và phục vụ khách hàng.

Vận dụng được đúng phương pháp bán hàng như câu chuyện kể trên, anh Tiến đang là một trong những nhân viên kinh doanh xuất sắc tại khối cửa hàng trong hệ thống của Weldcom. Những khách hàng qua sự tư vấn của anh Tiến đều được gợi mở và khai phá thêm những nhu cầu khác của mình.

Sau đó, bằng những kiến thức chuyên sâu và am hiểu về sản phẩm, anh đã chủ động tư vấn và gợi ý cho khách những mặt hàng phù hợp với nhu cầu và kinh tế của họ. Chính vì thế, không hiếm trường hợp khách đến với Weldcom Hải Phòng có dự định ban đầu mua máy hàn, nhưng sau khi được tư vấn lại mua thêm các linh phụ kiện tiêu hao của máy, các dụng cụ cầm tay khác như máy mài, máy cắt hay các đồ bảo hộ đi kèm…

 Anh Tiến chia sẻ, bí quyết để anh có thể khai thác tối đa nhu cầu của khách là biết lắng nghe, quan sát và đặt ra nhiều câu hỏi, qua đó nắm được nhu cầu thực sự của khách và dễ dàng gợi mở cho khách những sản phẩm hiệu quả để tối ưu nhu cầu của họ.

Chính việc khai thác được triệt để nhu cầu của khách hàng, giải quyết được vấn đề mà khách đang gặp phải bằng chính sản phẩm của mình mà cùng một lúc, phương pháp bán hàng này của anh đã tháo gỡ được cả 3 vấn đề: khách hàng được tư vấn hợp lý và vui vẻ mua hàng, sẵn sàng đầu tư vượt xa dự định ban đầu mà không ngần ngại, cá nhân người bán hàng bán được nhiều sản phẩm hơn, vui vẻ và phấn khởi khi mang lại niềm vui cho khách, đồng thời thúc đẩy doanh số của cửa hàng lên cao.

Trong đó, việc luôn đặt lợi ích của khách hàng là trên hết là yếu tố quan trọng tiên quyết đến sự thành công của người bán hàng. Chỉ khi những sản phẩm khách hàng mua được tư vấn đúng và phù hợp mới có thể mang lại hiệu quả sử dụng cho khách, tạo được niềm tin yêu của khách với thương hiệu, họ sẽ quay lại mua nhiều lần hơn, giới thiệu đến nhiều bạn bè hơn…thì tất cả những yếu tố còn lại sẽ được thúc đẩy và phát triển theo.

 Với anh Tiến, kĩ năng và kinh nghiệm thôi là chưa đủ. Theo anh, đối với một người kinh doanh, bán hàng theo kiểu “ào ào” chạy theo doanh số, cố gắng thuyết phục khách mua hàng, cạnh tranh tư vấn cho khách hay phô trương kỹ năng up-sale là hoàn toàn sai lầm.

Mấu chốt quan trọng nhất của người bán hàng là phải có sự nhiệt tình, thấu hiểu và phục vụ khách hàng bằng cái tâm của người làm nghề. Tâm huyết và chắt chiu cho từng đơn hàng như cách mà anh chắt chiu từng cơ hội để kết nối với khách. Không chỉ tư vấn một cách chân thành, khai thác và theo sát các thông tin của khách, anh còn luôn lưu lại những thông tin cần thiết để liên tục chăm sóc khách hàng trong suốt quá trình sử dụng. Điều này đã tạo dựng được uy tín và niềm tin tuyệt đối của anh trong lòng khách hàng.

Trong cuốn sách Outliers (Tạm dịch: Những kẻ xuất chúng) của Malcolm Gladwell có đề cập đến con số 10.000 giờ. Theo ông, đây là số giờ cần luyện tập và học hỏi để trở nên thành thạo và chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó.

Anh Tiến chia sẻ, có lẽ ở Weldcom, mỗi người không cần đến 10.000 giờ như trong lý thuyết đã nói để trở nên hiểu nghề và giỏi nghề. Bởi vì ở đây, ai cũng được hỗ trợ, ai cũng được giúp đỡ và tạo điều kiện để phát triển năng lực của mình. Bản thân anh – từ một nhân viên thủ kho nhà máy bánh kẹo, không có kiến thức chuyên môn về bán hàng, am hiểu về máy móc nhưng vẫn được trao cơ hội để phát triển trong lĩnh vực mới, vẫn có thể tạo ra những thành quả kinh doanh xuất sắc. Điều này ắt hẳn là không phải chỉ dừng lại ở một chữ “duyên”. Đằng sau nó là cả một sự cố gắng của bản thân cũng như sự hỗ trợ nhiệt thành của những đồng nghiệp xung quanh anh.

Mong rằng, lòng nhiệt huyết, tận tâm với công việc cùng phương pháp bán hàng thông minh của anh sẽ là nguồn truyền cảm hứng mới cho những bạn nhân viên kinh doanh trẻ tại các điểm bán của Weldcom noi theo./.

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *