Ảnh hưởng của khí và bụi sinh ra trong quá trình hàn
Weldcom – Trong quá trình hàn và cắt các chất độc hại có thể sinh ra do sự nóng chảy kim loại, do sự cháy của các chất trợ dung, do tác dụng của khí bảo vệ với không khí xung quanh… Các khí và bụi sinh ra trong quá trình hàn có các ảnh hưởng khác nhau đến cơ thể con người khi nó thâm nhập vào cơ thể. Bài viết này sẽ đề cập đến các loại khí, bụi phổ biến sinh ra trong các quá trình hàn và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người.
Quá trình hàn sinh ra các hạt nhỏ li ti bị phát tán vào không khí, tùy thuộc vào kích cỡ của các hạt này mà thời gian tồn tại của chúng trong không khí và khả năng thâm nhập vào sâu trong cơ thể con người là khác nhau.
– Các hạt có kích cỡ trên 100micromet không tồn tại lâu trong không khí thường sẽ rơi xuống xung quang vũng hàn ngay sau khi bị phát tán vào không khí.
– Các hạt có kích cỡ từ 30 micromet đến 100 micromet tồn tại không lâu trong không khí, chúng ta có thể hít phải xong nó sẽ bị lọc bởi màng nhày ở mũi.
– Các hạt có kích cỡ từ 5 đến 30 micromet dễ dàng thoát qua được hệ thống lọc tại mũi, và vào được khí quản tuy nhiên chúng sẽ bị giữ lại bởi các các hệ thống lọc của cơ thể tại đây.
– Các hạt có kích cỡ dưới 5 micromet tồn tại lâu trong không khí và khi chúng ta hít phải chúng có thể xâm nhập được đến các túi khí nằm tại phổi. Tại đây chúng ta sẽ khó loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể việc loại bỏ bằng các cơ chế sinh học tự nhiên chỉ diễn ra từ từ.
Cơ thể con người không thể ngừng việc hô hấp, mặt khác hàng ngày chúng ta lưu thông một lượng không khí rất lớn qua phổi do đó chỉ cần một lượng chất độc hại với tỷ lệ nhỏ tồn tại trong không khí vẫn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.
Các nguồn phát sinh khí và bụi trong hàn
– Kim loại vật hàn.
– Kim loại bù, thuốc bảo vệ.
– Khí bảo vệ.
– Tác động của nhiệt lên môi trường.
– Các chất phủ, các lớp mạ bề mặt vật hàn.
– Bụi sinh ra trong quá trình mài, gia công cơ khí.
– Bản thân môi trường làm việc.
Ảnh hưởng của các chất độc hại sinh ra trong quá trình hàn nếu hít phải
– Hầu hết các nhà sản xuất vật liệu hàn, các nhà cung cấp khí bảo vệ đều cung cấp cho chúng ta danh sách các ảnh hưởng có thể gặp phải đến sức khỏe khi làm việc với các sản phẩm đó. Tuy nhiên đó chỉ là các thông tin tham khảo, các chất độc hại trong trình hàn còn phụ thuộc nhiều vào môi trường, vật liệu lao động.
Một số chất độc hại khi chúng ta hít phải sẽ gây ra các bệnh nhiễm độc mãn tính. Chúng thâm nhập vào máu di chuyển khắp cơ thể rồi tập trung tại Gan và thận. Hiện tượng nhiễm độc mãn tính trong một số trường hợp có thể chuyển sang ung thư.
Các chất độc hại khi xâm nhập vào hệ thông đường hô hấp có thể gây ra hiện tượng hen suyễn. Nguyên nhân ở đây có thể do tiếp xúc với izoxianat hoặc nhựa thông có trong thành phần chất kết dính của thuốc hàn, cũng đã thấy một số trường hợp bị khi hàn thép không gỉ.
Da bị tiếp xúc nhiều với khói, bụi khi hàn có thể xuất hiện hiện tượng dị ứng, viêm da.
Hàn nóng chảy có sinh ra hơi kim loại, khi còn người hít phải sẽ gây ra hiện tượng cúm kim loại gây sốt, đau đầu. Với hầu hết kim loại cơ thể người có thể tự hồi phục tuy nhiên nếu nhiễm một số kim loại như cadimi thì bắt buộc phải có sự can thiệp quả y tế nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề.
Các hợp chất độc hại sinh ra trong quá trình Hàn
Dưới đây là danh sách các chất, hợp chất có thể sinh ra trong quá trình hàn, cũng như có thể tồn tại trong môi trường hàn và tác động của nó lên cơ thể người nếu làm việc lâu dài và không được bảo vệ tốt.
– Nhôm: Hít phải bột nhôm trong thời gian dài sẽ gây ra các tổn thương lên phổi. Chuẩn Hoa Kì giới hạn dưới 5mg trên một mét khối.
– Antimon: Gây dị ứng rối loạn chuyển hóa protein và cacbonhidrat.
– Asen: Tác nhân gây ung thư gây ra các tổn thương lên gan.
– Amiang: Tác nhân gây ung thư phổi phổ biến.
– Bari: Có tính độc cao gây ra các hiện tượng co giật.
– Berili: Có tính độc cao, tiếp xúc có thể gây tử vong.
– Cadimi: Có tính độc cao, là chất gây ung thư gây ra các vấn đề chầm trọng về sức khỏe ngay cả khi tiếp xúc với nồng độ thấp.
– Crom: Gây bệnh xơ phổi, Crom VI nghi ngờ là chất gây ung thư.
– Coban: Gây ra các hiện tượng hen suyễn, dị ứng da.
– Đồng: Gây sốt đau đầu mệt mỏi, một số hợp chất của đồng rất nguy hiểm.
– Flo: Tiếp xúc với nồng độ lớn gây dị ứng khó chịu và ảnh hưởng lâu dài đến xương.
– Sắt: Gây ra các vấn đề nghiêm trọng đến phổi mà không có các triệu chứng báo trước.
– Chì: Gây đau đầu, rối loạn giấc ngủ, hệ tiêu hóa, thiếu máu và các gây ra các tổn thương lên hệ thần kinh.
– Mangan: Gây dị ứng da, mắt, gây sốt đau đầu.
– Thủy ngân: Ăn mòn da, mắt, gây đau dạ dày, tiêu chảy, tổn thương thận, suy hô hấp.
– Molypden: Không chắc chắn có ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Nikel: Gây hiện tượng dị ứng da tiếp xúc.
– Bạc: Gây ra các vấn đề về đường hô hấp.
– Thiếc: Gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với phổi mà không có các triệu chứng báo trước.
– Titan: Không chắc chắn có ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Vonfram: không chắc chắn có gây các ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Vanadi: Gây tức ngực khó thở, viêm phế quản.
– Thori: Là hợp kim có trong kim hàn TIG là nguyên tố phóng xạ, do đó hơi Thori rất độc hại do đó cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hàm lượng Thori.
– Kẽm: Gây ra triệu chứng sốt, đau đầu nhưng nhanh hồi phục.
– Argon-Heli: Chỉ gây ngạt nếu trong môi trường thiếu oxy.
– CO2: Chỉ gây ngạt.
– CO: Sinh ra do quá trình đốt cháy không hết gây ra các hiện tượng chóng mặt nhức đầu do CO ngăn cản hồng cầu tiếp xúc oxy có thể gây ngất.
– Oxit nito: Chất khí sinh ra do nito tác động với oxy nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp và tuần hoàn.
– Ozon: Sinh ra do tác động của tia cực tím lên oxy không khí. Gây khó chịu ảnh hưởng lâu dài lên phổi.
– Photgen: Chất hơi độc sinh ra do tác động của tia cực tím lên các dung môi clo, gây tổn thương nghiêm trọng lên phổi. Do đó cần tránh để các dung môi clo gần khu vực hàn.
Tùy theo công việc hàn mà thành phần khói hàn là khác nhau. Mỗi phương pháp thì nồng độ khí lại khác nhau. Do đó người công nhân cần chú ý xem vật hàn mình sẽ hàn có thành phần hóa học ra sao, nếu làm việc với các lớp mạ lớp phủ thì bắt buộc phải làm sạch các lớp mạ, lớp phủ đó trước khi hàn vì trong lớp sơn phủ thường có chì nguy hiểm. cũng cần quan tâm đến thành phần của kim loại bù, thành phần thuốc vỏ bọc, cũng như khí cấp bảo vệ. Cũng cần trang bị đồ bảo hộ, thông thoát khí đầy đủ trước khi hàn. Vì các tác động lên sức khỏe khi hàn thường ẩn, do đó nên khám bệnh định kỳ để tránh các hậu quả đáng tiếc.