Anh Đỗ Mạnh Tú và câu chuyện định nghĩa về 2 chữ “Tận Tâm”
Có một câu nói như thế này: “Được làm điều mình thích, đó là tự do. Thích những điều mình làm, đó là hạnh phúc”. Với Đỗ Mạnh Tú – trưởng nhóm kỹ thuật ngành Gia công chính xác tại Công ty CP Công nghiệp Weldcom thì công việc có lẽ đã đem đến cho anh cùng lúc cả hai điều này.
Sinh ra và lớn lên tại Sóc Sơn, Hà Nội, thạc sỹ trẻ 9X Đỗ Mạnh Tú xuất thân là kỹ sư cơ điện tử tại trường Đại học Bách khoa. Tuy mới chỉ có gần 2 năm gắn bó với công việc của một chuyên viên kỹ thuật tại Weldcom, thế nhưng khi nhắc đến anh, rất nhiều anh em đồng nghiệp và đối tác đã dành những lời khen ngợi chân thành cho khả năng chuyên môn và thái độ tận tâm của anh khi làm việc.
Đối với một người bình thường, sau giờ hành chính sẽ là khoảng thời gian nghỉ ngơi dành cho bản thân, cho gia đình. Nhưng với anh Tú, bất kể là thời điểm nào cũng có thể là giờ làm việc. Bởi tôn chỉ của anh là luôn đồng hành cùng với khách hàng, chỉ cần khách hàng cần, kỹ thuật sẽ nói “Có”.
Đó là một trong những lời khen ngợi mà gần đây nhất khách hàng đã dành cho anh Tú và những cộng sự của anh. Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Tú kể lại rằng: vừa qua, đội kỹ thuật của anh lắp đặt một số máy khoan V, khoan bản mã… cho công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Ngãi Cầu.
Tuy nhiên có một ngày xảy ra sự cố với máy khoan V TBL3635 vào chiều tối và phía khách hàng cần khắc phục ngay để không bị gián đoạn sản xuất, ảnh hưởng tới đơn hàng. Không hề nề hà, anh Tú cùng đồng nghiệp trong đội của mình là anh Vũ Xuân Thuấn đã lên đường ngay đến Bắc Ninh để kịp thời xử lý sự cố cho khách hàng. Sau khi xử lý xong, anh không quên đưa ra các biện pháp phòng ngừa tránh lặp lại lỗi và báo cáo ngay tình trạng của máy để khách hàng nắm được và chủ động sắp xếp sản xuất. Xong xuôi hết mọi việc nhìn lên đồng hồ đã là gần 10h đêm, anh mới yên tâm rời khỏi xưởng và quay trở lại Hà Nội.
Đây chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện mà anh và các kỹ thuật viên của Weldcom gặp phải trong quá trình tác nghiệp. Nhưng cũng chính bằng thái độ tận tâm, cầu thị và nhiệt tình của các anh mà khách hàng luôn cảm thấy yên tâm và tin tưởng. “Cứ lúc nào khách cần thì anh làm cả ngày không nghỉ trưa, kể cả chủ nhật. Nhiều khi mải quá cũng quên cả ăn trưa là chuyện bình thường. Vất vả một tí nhưng giúp được cho khách hàng là thấy vui rồi” anh Tú chia sẻ.
Kể từ ngày bước chân vào Weldcom, theo anh, cái được đầu tiên mà anh nhận được và có ý nghĩa nhất chính là việc được thay đổi về mặt nhận thức, hiểu được giá trị đích thực mà mình cần hướng tới để sống và làm việc có ích cho xã hội. “Đối với anh, việc tạo ra các giá trị có ích cho bản thân và xã hội là việc mà mình muốn hướng tới và mình sẽ cố gắng tạo ra những giá trị đó từ những điều nhỏ bé nhất, đó là luôn cố gắng phục vụ tận tâm từng khách hàng”.
Với tư cách là một trưởng nhóm, anh Tú luôn cố gắng xây dựng một đội kỹ thuật nhiệt huyết, tận tâm, sáng tạo và nhanh chóng trong việc đáp ứng tốt nhu cầu sửa chữa, lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng cho khách hàng. Anh cho rằng, tất cả những phản hồi tích cực mà anh nhận được ngày hôm nay không phải là kết quả của một mình anh cố gắng. Đó là thành quả của gần 100 anh em kỹ thuật, của tất cả những cộng sự nhiệt thành phía sau luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau lúc khó khăn. Tại Weldcom – một môi trường năng động, truyền cảm hứng và có tính gắn kết cao đã là nguồn sức mạnh để anh tận tâm làm việc và cống hiến mỗi ngày.
Khi được hỏi anh nếu có đôi lời muốn nhắn nhủ với các bạn kỹ thuật trẻ tại Weldcom, anh muốn nói điều gì? Anh Tú đã cười và trả lời: “Đơn giản thôi, hãy cấy cho mình bộ Gen Weldcomer và hãy mạnh dạn làm những điều mình chưa dám làm”. Anh mong các bạn trẻ khi bắt đầu công việc này hãy luôn cố gắng học hỏi, lắng nghe, không ngừng rèn luyện và hoàn thiện mình mỗi ngày. Đặc biệt, công việc này cần lắm một chữ “Tâm” để luôn vững tâm với nghề và tận tâm cống hiến với công việc.
Suy cho cùng, thước đo của đời người có lẽ không phải là thời gian mà là sự tận tâm cống hiến. Dù ở vị trí nào, công việc nào, những người gắn với chữ “Tâm” sẽ luôn cố gắng đem hết tâm sức và tấm lòng của mình để đóng góp cho đời và tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Dẫu chỉ là một nhánh cây, ngọn cỏ hay một chiếc lá, thì “Việc của lá là phải xanh”, đúng không nào?