Công nghệ xây dựng sử dụng tấm kết cấu 3D
Từ nhiều thế kỷ qua, phương pháp kết cấu dạng khung đổ bê tông toàn khối tại chỗ, xây tường gạch được áp dụng rất rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên với nhịp độ phát triển của ngành xây dựng và nhu cầu về nhà ở (đặc biệt là nhà ở xã hội giá rẻ cho người có thu nhập thấp) tăng chóng mặt như hiện nay thì phương pháp cổ điển trên bộc lộ nhiều hạn chế.
Một công nghệ mới được coi là giải pháp cho vấn đề này là công nghệ xây dựng bằng vật liệu “tấm kết cấu 3D”.
Tấm kết cấu 3D cơ bản là sản phẩm nhẹ, được sản xuất từ sắt và mút xốp polysterene là chế phẩm của dầu mỏ được phủ bê tông. Khung sườn của tấm kết cấu được tạo thành cấu trúc không gian 3 chiều khuếch tán bằng những sợi thép tròn nhỏ sắp xếp trên mặt lưới được đan lẫn nhau (200 đường chéo trên 1m2) tạo nên độ cứng rắn, vững chắc, ổn định và phát huy hết tính năng chịu lực bằng các mối hàn chính xác.
Sau đó, dùng bê tông cốt liệu nhỏ, cấp phối bằng cát, đá, phun bao phủ cả hai mặt. Đặc tính của kết cấu do đó sẽ được thay đổi, vì sau khi phủ bê tông vào cả hai mặt, kết cấu trở thành một tấm bê tông cốt thép chịu lực 3 chiều (ngang và thẳng đứng). Lớp phân cách polysterene trong tấm kết cấu kết hợp với hai lớp bê tông nâng cao khả năng cách âm, cách nhiệt của vật liệu.
Ưu điểm nổi bật của công nghệ này là tạo cho công trình khả năng chịu lực cao, có thể chịu được bão với sức gió 300km/h (thực tế tại Florida – Mỹ), chịu động đất trên 7,5 độ Richte (thử nghiệm của Đại học Tongji – Thượng Hải – TQ). Trong lượng kết cấu chỉ bằng 60% so với gạch và bê tông truyền thống, thích hợp cho những chung cư cao tầng xây trên nền đất yếu, tiết kiệm chi phí gia cố nền móng.
Đặc biệt, công nghệ tấm kết cấu 3D không sử dụng gạch, do các tấm kết cấu được làm sẵn theo thiết kế nên thời gian thi công nhanh, không cần sử dụng nhiều máy móc cơ giới nặng nề, phức tạp. Công nghệ 3D dễ tiếp thu, dễ thi công và không đòi hỏi tay nghề cao.
Ngoài việc xây dựng nhà ở, công nghệ tấm kết cấu 3D còn được ứng dụng để làm đường, nhà kho, vách ngăn và sàn của nhà cao tầng, sân vận động, hội trường, nhà xưởng…
Tấm kết cấu 3D còn là một công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu (gạch, đá, sắt thép), bảo tồn và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên (gỗ, chất đốt, xăng dầu), tiết kiệm năng lượng.
Nhờ khả năng thiết kế linh hoạt nên việc xây dựng giá thành 1m2 xây dựng bằng tấm kết cấu 3D được điều chỉnh phù hợp với từng công trình cụ thể. Đối với công trình nhà cao tầng và liền kề sẽ giảm được 20% giá thành xây dựng nhờ khả năng chịu lực cao của cấu kiện. Thời gian thi công rút ngắn, công trình sớm đưa vào sử dụng sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm nhiều chi phí công trường.
Tại Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng 3D đã thiết kế, đầu tư, chế tạo “Dây chuyền sản xuất vật liệu V-3D” tự động, bảo đảm cung cấp cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại cùng loại, giá thành thấp hơn nhiều lần.
Hiện nay Công ty 3D đã thiết kế và đưa ra quy cách riêng cho sản phẩm của mình, vừa bảo đảm nguyên lý cơ bản về kết cấu của tấm V-3D, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường trong nước.
Các module do Công ty chế tạo có kích thước rộng 1m, dày 5cm – 7,5cm – 10cm – 12,5cm, chiều dài tuỳ theo yêu cầu của thiết kế. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7575-1-3:2007 và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Độc quyền sáng chế.
Tấm V-3D của Công ty 3D đã được áp dụng vào xây dựng nhiều công trình trong cả nước, trong đó có nhiều công trình cao tầng như: Cao ốc VP Nguyễn Hiếu – Cần Thơ, Plaza Vĩnh Trung – Đà Nẵng, Khách sạn Imperial Boat – Hải Phòng, Khách sạn Việt Úc – Bến Tre…, góp phần khẳng định khả năng mở rộng thị trường của loại vật liệu được sản xuất bằng công nghệ hiện đại với nhiều tính năng ưu việt này.